Thứ nhất, bị truy thu, xử phạt, nặng hơn là xử lý hình sự
Luật Quản lý thuế quy định rõ việc người nộp thuế có nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế… Điều đó có nghĩa, khi người bán và người mua cố tình kê khai giá "ảo" trong hợp đồng chuyển nhượng để né thuế thì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà khi bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
Tiền trốn thuế | Hình thức xử lý |
Từ 100 triệu đồng - dưới 300 triệu đồng | Phạt tiền từ 100 triệu đồng - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm |
Từ 300 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng | Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm - 3 năm |
Từ 1 tỷ đồng trở lên | Phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm - 7 năm. |
Thứ hai, hợp đồng bị vô hiệu
Khi phát hiện người dân kê khai vào hợp đồng mua bán công chứng với giá thấp hơn thực tế thanh toán, hợp đồng này sẽ bị tuyên vô hiệu do giả tạo, che giấu giá trị chuyển nhượng thực tế (Theo Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo). Khi đó, thiệt hại nhiều nhất sẽ nghiêng về phía người mua. Không loại trừ trường hợp người mua không được hoàn trả đúng số tiền thực tế đã thanh toán cho người bán mà chỉ nhận được số tiền tượng trưng ghi trong hợp đồng (do không có bằng chứng chứng minh khoảng chênh lệch giữa số tiền ghi trên hợp đồng và số tiền thực tế đã trả).
Thứ ba, công chứng viên bị liên đới trách nhiệm
Trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất, hợp đồng chỉ đảm bảo tính pháp lý khi được công chứng thay vì giấy tay. Khi đó, nếu công chứng viên biết khách hàng kê khai không đúng giá trị mua bán mà vẫn công chứng hợp đồng mua bán là sai, phải liên đới chịu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Linh Phương