Có thể thấy, việc để lại di sản cho người khác hoàn toàn là quyền của người lập di chúc, người này có toàn quyền trong việc để lại tài sản của mình (thuộc quyền sở hữu của mình) cho người thừa kế. Pháp luật không hạn chế người thừa kế theo di chúc, vì di chúc là ý nguyện định đoạt của người để lại di sản, nên pháp luật luôn tôn trọng mong muốn của họ, bởi vậy, người dưng hay người nhà cũng đều có quyền nhận thừa kế nếu di chúc, tâm nguyện của người để lại di sản mong muốn mà không ai có quyền ngăn cấm, cản trở.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, việc để lại tài sản bằng di chúc chỉ có hiệu lực khi bản di chúc hợp pháp. Cụ thể:
-Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong quá trình lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
-Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức không trái quy định của pháp luật;
-Không vượt quá phạm vi quyền định đoạt, tức là người lập di chúc chỉ được quyền định đoạt đối với phần tài sản của họ mà không được định đoạt cả phần tài sản của người khác. Ví dụ: tài sản trong thời kỳ hôn nhân nếu không có thỏa thuận tài sản riêng vợ/chồng thì tài sản đó đương nhiên trở thành tài sản chung vợ chồng và mỗi người được định đoạt trong phạm vi một nửa tài sản. Trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt toàn bộ căn nhà cho người khác thì di chúc này không thể thực hiện do vượt quá phạm vi định đoạt.
Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến các trường hợp hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nghĩa là có một số đối tượng dù có di chúc hay không có di chúc, họ vẫn đương nhiên được hưởng một suất thừa kế theo pháp luật. Họ là ai?
-Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
-Con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, một người có thể để lại tài sản của mình cho người dưng nếu nội dung này được đề cập trong di chúc nhưng sẽ không được hưởng trọn vẹn toàn bộ tài sản nếu người để lại di chúc có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nói trên.