Theo quy định tại Điều 56 Luật công chứng 2014, người lập di chúc phải tự mình đến yêu cầu công chứng, không được ủy quyền cho người khác.
Ngoài ra, khi di chúc lập bằng văn bản không có người làm chứng thì bắt buộc người lập di chúc phải tự viết và tự ký vào bản di chúc đó theo quy định tại Bộ luật dân sự. Do đó, việc lập di chúc phải do người để lại tài sản lập, ký và hoàn thành. Vậy, trong trường hợp ốm nặng thì sẽ phải lập di chúc thế nào?
a)Di chúc miệng
Người lập di chúc trong trường hợp này có thể lập di chúc miệng, tuy nhiên phải tuân thủ trình tự sau:
-Ngay sau khi người để lại di chúc nêu ý chí cuối cùng của mình, người làm chứng phải ghi chép lại;
-Hai người làm chứng phải cùng ký tên và điểm chỉ vào di chúc đó;
-Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người để lại di chúc nêu ý muốn cuối cùng của mình, di chúc này phải được chứng thực hoặc công chứng xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
b)Công chứng viên đến tận nơi để lập di chúc
Nếu người lập di chúc ốm nặng, già yếu không thể tự mình đến tận nơi để công chứng thì có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà, bệnh viện, nơi người lập di chúc chữa trị để lập di chúc bằng văn bản.
c)Di chúc có người làm chứng
Nếu không thể tự mình viết di chúc cũng như công chứng được thì người để lại tài sản nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất 02 người làm chứng.
Người làm chứng không phải là người thừa kế của người lập di chúc, không có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc, phải là người đã thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Lúc này, người lập di chúc phải ký vào bản di chúc trước mặt người làm chứng và người làm chứng cũng phải ký vào bản di chúc để xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.