Thừa kế được hiều là sự chuyển giao di sản của người đã chết cho người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật.
a-Thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hay nói cách khác, người lập di chúc có quyền chỉ định những người được hưởng di sản thừa kế theo bản di chúc được thành lập dựa trên ý chí nguyện vọng của mình.
b-Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Như vậy, từ những quy định trên cho thấy, người có tên trong hộ khẩu chỉ là hình thức quản lý hành chính của Nhà nước về cư trú của công dân đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, giữ an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Trong khi đó, về thừa kế, ngoài người được chỉ định trong di chúc thì người thừa kế theo pháp luật là cá nhân có mối quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản thừa kế.
Vì vậy quan niệm người có tên trong cùng hộ khẩu đương nhiên được thừa kế di sản của nhau là sai lầm.