Pháp lý bất động sản

7 Lưu ý quan trọng đối với di chúc có yếu tố nước ngoài

Đăng bởi: Admin, ngày 21/12/2020 11:41 AM

Hiện nay, việc lập di chúc để đảm bảo việc định đoạt tài sản sau khi chết được khá nhiều người quan tâm. Di chúc cũng là ý nguyện của người để lại di sản đối với phần tài sản của mình dành cho người còn sống. Vậy với di chúc có yếu tố nước ngoài thì cần phải chú ý những gì?

 

7 Lưu ý quan trọng đối với di chúc có yếu tố nước ngoài

 

 

1. Di chúc có yếu tố nước ngoài là gì?

Di chúc là việc một người muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết đi. Theo đó, di chúc có di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Chỉ khi không thể lập di chúc bằng văn bản thì mới sử dụng hình thức di chúc miệng.
Di chúc có yếu tố nước ngoài về mặt hình thức vẫn là những ý nguyện về định đoạt tài sản của người chết về phần tài sản của mình cho người còn sống, chỉ khác là di chúc đó có liên quan đến yếu tố nước ngoài, cụ thể bao gồm:
-Người lập di chúc hoặc người nhận thừa kế theo di chúc là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
-Địa điểm lập di chúc ở nước ngoài;
-Tài sản thừa kế ở nước ngoài.

 

2. Hiệu lực của di chúc được lập ở nước ngoài

Di chúc được coi là hợp pháp nếu:
-Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;
-Người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
-Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
-Hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Trong đó, di chúc bằng văn bản phải được công chứng, chứng thực hoăc có người làm chứng.
Di chúc miệng thì phải có ít nhất 02 người làm chứng và 02 người này phải ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc miệng đó.
Ngoài ra, Điều 638 Bộ luật dân sự 2015 nêu rõ, di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó thì có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.
Do đó, nếu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, không có điều kiện trở về Việt Nam lập di chúc thì có thể đến cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để lập di chúc.
Lúc này, di chúc vẫn có giá trị và được coi là hợp pháp ở Việt Nam nếu việc lập di chúc đảm bảo các điều kiện nêu trên.

 

3. Di chúc bằng tiếng nước ngoài có công chứng không?

Pháp luật hiện hành không có quy định cấm người Việt Bam được lâp di chúc bằng tiếng nước ngoài. Do đó, vẫn có thể lập di chúc bằng tiếng nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu di chúc được công chứng, chứng thực thì phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bởi Điều 6 Luật công chứng 2014, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng, chứng thực là tiếng Việt.
Lúc này, người yêu cầu công chứng có thể dịch bản di chúc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và thực hiện công chứng, chứng thực như bình thường.
Do đó, Luật Việt Nam không cấm dùng ngoại ngữ để lập di chúc, tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì bạn nên dịch sang tiếng Việt và thực hiện công chứng, chứng thực.
 

 

4. Để lại di chúc cho người nước ngoài được không?

Không chỉ người để lại di sản có thể lập di chúc ở nước ngoài mà người lập di chúc còn có thể để lại tài sản của mình cho người ở nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài.
Bởi đó là một trong các quyền của người để lại di sản:
-Chỉ định người thừa kế;
-Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
-Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
-Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
-Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
-Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Do đó, việc chỉ định ai là người hưởng di sản thừa kế là quyền của người để lại di chúc nên hoàn toàn có thể để tài sản lại cho người nước ngoài sau khi chết.

 

5. Người nước ngoài có thể lập di chúc ở Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc là người thành niên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Theo đó, Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập.
Do đó, không hề có điều khoản nào cấm người nước ngoài không được lập di chúc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để di chúc có hiệu lực tại Việt Nam thì bắt buộc hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và năng lực pháp luật của người lập di chúc phải phù hợp theo pháp luật của nước người đó có quốc tịch.

 

6. Những giấy tờ cần khi công chứng di chúc có yếu tố nước ngoài

Những giấy tờ cần chuẩn bị khi công chứng di chúc có yếu tố nước ngoài bao gồm:
-Phiếu yêu cầu công chứng;
-Giấy tờ về quyền sở hữu tài sản;
-Dự thảo di chúc;
-Giấy tờ nhân thân:
Nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Giấy tờ chứng minh về quốc tịch như giấy chứng minh nguồn gốc Việt Nam, giấy chứng nhận có hoặc thôi quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
Nếu có người nước ngoài: Giấy tờ chứng minh được phép nhập cảnh vào Việt Nam, giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi như giấy khám sức khỏe, chứng minh nhân dân của người phiên dịch.
-Các loại giấy tờ khác mà tùy từng vụ việc mà yêu cầu bắt buộc phải có.

 

7. Ba loại tài sản cần lưu ý trong di chúc

Ngoài những lưu ý nêu trên, vấn đề tài sản nào người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận thừa kế cũng rất quan trọng. Bởi không phải cứ di chúc người để lại di sản định đoạt thế nào là người được hưởng thừa kế cũng được hưởng di sản như vậy, mà còn tùy thuộc vào quy định của pháp luật người đó có được quyền sở hữu loại tài sản đó hay không. Sau đây là lưu ý về 03 loại tài sản thường gặp trong thừa kế di sản:
Tài sản là nhà ở
Với tài sản là nhà ở thì người nước ngoài phải thuộc diện sở hữu nhà ở theo quy định tại Luật nhà ở 2014 thì mới có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nếu không thuộc diện này thì chỉ được hưởng giá trị của căn nhà đó.
Với người nước ngoài thì được nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam bao gồm: căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh phải đáp ứng điều kiện sau:
-Được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
-Không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Trong đó, người nước ngoài chỉ được nhận thừa kế không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư…Nếu không thuộc các trường hợp trên thì người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Thời hạn sở hữu nhà ở phải ghi trong Giấy chứng nhận.
Tài sản là đất ở
Điều 186 Luật đất đai 2013 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở thì cũng có quyền sử dụng đất ở gắn liền với nhà ở tại Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Người nhận thừa kế theo di chúc sẽ không được cáp Giấy chứng nhận nếu là:
-Người nước ngoài;
-Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được nhập cảnh vào Việt Nam.
Những người này chỉ được hưởng giá trị của nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở khi được nhận thừa kế, bên cạnh đó, được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế cho người khác.
-Được đứng tên bên bán trong Hợp đồng mua bán nhà ở;
-Được đứng tên bên tặng cho trong Hợp đồng tặng cho đất ở;
-Nếu chưa bán hoặc tặng cho thì có thể ủy quyền về việc nhận thừa kế gửi cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.
Ngoài ra, người nhận thừa kế không được cấp giấy chứng nhận nhưng có thể ủy quyền cho người khác trông nom, tạm sử dụng và thực hiện nghĩa vụ về đất đai.
Tài sản là tiền mặt
Nếu tài sản thừa kế là tiền mặt mà người hưởng di sản muốn mang theo ra nước ngoài thì phải khai báo Hải quan nếu trên:
-5000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
-15 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu mang séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và giấy tờ khác có giá trị bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam thì không cần phải khai báo.
Trên đây là những lưu ý mà kinh nghiệm xử lý hồ sơ chúng tôi tổng hợp được để bạn có cái nhìn tương đối về việc thực hiện di chúc có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin chung nhất, cái khó là mỗi hồ sơ sẽ có những nội dung, yêu cầu và đặc thù riêng nên để tìm hiểu một cách chi tiết, bạn hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ nhé. 

 

- ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ -

★★★  CÔNG TY TNHH PHÁP LÝ GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ★★★

► Add: Số 1014 Trường Sa, Phường 12, Quận 3, Tp.HCM

 Hotline:  1900.588.857 - Tell:  (028).3636.4927

 Email: cskh@giaiphaptaichinh.net

HOTLINE TƯ VẤN: 1900.588.857

 

Bài viết liên quan

Tin tức mới

Nhu cầu

Bạn Chưa Tìm Được Căn Nhà Ưng Ý

Đừng lo! Hãy để lại thông tin, GPTC sẽ tìm giúp bạn căn nhà phù hợp nhất

0