Pháp lý bất động sản

Di chúc – những sai lầm thường gặp

Đăng bởi: Admin, ngày 18/01/2021 15:13 PM

Di chúc là sự thể hiện mong muốn, nguyện vọng của một người về việc định đoạt, phân chia tài sản của mình sau khi chết. Tuy nhiên, di chúc phải đảm bảo hợp pháp và có hiệu lực thì di sản của người chết mới được phân chia theo đúng ý nguyện của người đó. Nếu di chúc không có hiệu lực thì tài sản để lại sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật, điều này có thể dẫn tới việc phân chia di sản không đúng với mong muốn định đoạt của người để lại di sản.
Vậy đâu là những sai lầm thường gặp để tránh trong khi lập di chúc? Cùng Pháp lý giải pháp tài chính tìm hiểu qua một số tình huống sau:

 

Di chúc – những sai lầm thường gặp

 

 

1. Tình huống 1:

Người lập di chúc có 2 con (trai và gái), vợ đã mất được 5 năm, tài sản định đoạt là tài sản riêng (có văn bản thỏa thuận tài sản riêng đã được công chứng). Hai con của ông chưa kết hôn. Bố mẹ của người lập di chúc cũng đã mất được 10 năm. Người lập di chúc đang bị bệnh nặng, lập di chúc cho con trai mảnh vườn, con gái được giao cho căn nhà.
Người con trai viết lại ý nguyện của cha thành văn bản, sau đó đọc lại để người cha ký tên, đồng thời 2 con của ông cùng ký tên vào di chúc.
Trong tình huống này, có một số nội dung cần lưu ý như sau:
 
Thứ nhất, người cha đang bệnh nặng và muốn lập di chúc.
Theo quy định, tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. 
Để chứng minh sự minh mẫn, sáng suốt này cần tới sự can thiệp khách quan của một bên thứ ba, đặc biệt là cơ quan y tế về việc khám sức khỏe, giám định tâm thần. Ở tình huống này chỉ dẫn chiếu việc người cha bị bệnh nặng và muốn lập di chúc, chưa đủ cơ sở để xác định ông lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Nên đây là một điểm cần lưu ý trong khi lập di chúc, bắt buộc người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị tác động bởi bất kỳ bên nào khác.
Thứ hai, tình huống chỉ nói đến 2 người con và không xác định rõ là con riêng, con chung hay con nuôi.
Giả sử 2 người con là con chung với người vợ đã mất, thì cần xác định có hay không con riêng và con nuôi để tính đến các suất thừa kế mà những người con riêng, con nuôi cũng được hưởng. Vì trong trường hợp con riêng, con nuôi thuộc trường hợp: chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất khả năng lao động, họ cũng thuộc đối tượng đương nhiên được hưởng thừa kế.
Do đó, trong khi lập di chúc, cần xác định rõ các đối tượng đương nhiên được hưởng thừa kế và ý nguyện định đoạt của người để lại di sản để tránh trường hợp ý nguyện định đoạt không được như ý và phát sinh tranh chấp.
 
Thứ ba, theo tình huống, sau khi người cha ký, hai người con cũng ký tên vào bản di chúc như là người làm chứng cho việc lập di chúc của cha mình.
Việc làm chứng này đã làm cho di chúc không hợp pháp, vì theo quy định của pháp luật, những người sau đây không được làm chứng, bao gồm:
-Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
-Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
-Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Hai người con vừa là đối tượng được hưởng thừa kế theo di chúc, vừa ký tên là người làm chứng sẽ dẫn tới bản di chúc không khách quan. Do đó, cần lưu ý về người làm chứng khi lập di chúc để di chúc được hợp pháp.

 

2. Tình huống 2:

Một người muốn viết di chúc để định đoạt tài sản cho các con nên đã tham khảo ý kiến của người thân, đồng thời nhờ một người hàng xóm đánh máy và làm chứng.
Trong tình huống này có một số nội dung cần lưu ý như sau:
 
Thứ nhất, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. 
Việc người để lại tài sản hỏi người khác để tham khảo ý kiến trước khi lập di chúc không làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của di chúc, vì quyết định định đoạt tài sản cuối cùng vẫn thuộc về người để lại tài sản. Trừ khi người lập di chúc phải lập di chúc trong trạng thái không minh mẫn, sáng suốt hoặc lập vì bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép thì di chúc đó không có hiệu lực.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và di chúc được thực hiện theo đúng ý nguyện của người để lại tài sản, người lập di chúc nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm như Luật sư và các tổ chức, đơn vị chuyên nghiệp.
 
Thứ hai, là việc người lập di chúc nhờ người khác đánh máy.
Trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng, người làm chứng này phải khách quan và không thuộc các đối tượng như liệt kê ở tình huống 1.
Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Người làm chứng phải chịu trách nhiệm về tính khách quan của di chúc.
 

 

3. Tình huống 3:

Di sản thừa kế được phân chia như thế nào nếu:
-Người được chỉ định thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc;
-Di sản thừa kế không còn hoặc chỉ còn lại một phần so với giá trị được đề cập trong di chúc.
Theo quy định của pháp luật, di chúc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm mà người lập di chúc chết).
Tuy nhiên, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu rơi vào các trường hợp sau:
-Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc;
-Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
-Di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, điều kiện để di chúc có hiệu lực là vào thời điểm mở thừa kế:
-Người thừa kế theo di chúc còn sống;
-Cơ quan, tổ chức được chỉ định thừa kế còn tồn tại;
-Di sản của người chết vẫn còn: toàn bộ hoặc một phần.
Do đó,
-Nếu người được thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc thì phần di chúc phân chia di sản cho người này không có hiệu lực. Theo đó, di sản này sẽ thực hiện phân chia thừa kế theo pháp luật.
-Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
-Nếu di sản hoặc phần di sản để lại cho người thừa kế không còn thì phần di chúc về di sản/phần di sản này không có hiệu lực.

 

4. Tình huống 4:

Cha mẹ đã lập di chúc phân chia tài sản cho các con, tuy nhiên, vì người con ngỗ ngược nên muốn sửa đỏi hay hủy bỏ di chúc đã lập thì có được hay không?
Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, là thời điểm người lập di chúc chết, nghĩa là di chúc chưa có hiệu lực khi người lập di chúc còn sống, nên người đó hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế thậm chí hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Đối với tình huống, dù đã viết di chúc để lại một phần tài sản cho con, nhưng nếu người con này ngỗ ngược hoặc vì bất cứ lý do gì, người lập di chúc có quyền sửa lại nội dung di chúc đó, theo đó, không để lại tài sản thừa kế cho người con.
Xin lưu ý thêm:
Thứ nhất, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Thứ hai, trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. 

 

- ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TRỰC TIẾP, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ -

★★★  CÔNG TY TNHH PHÁP LÝ GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ★★★

► Add: Số 1014 Trường Sa, Phường 12, Quận 3, Tp.HCM

 Hotline:  1900.588.857 - Tell:  (028).3636.4927

 Email: cskh@giaiphaptaichinh.net

HOTLINE TƯ VẤN: 1900.588.857

 

Bài viết liên quan

Tin tức mới

Nhu cầu

Bạn Chưa Tìm Được Căn Nhà Ưng Ý

Đừng lo! Hãy để lại thông tin, GPTC sẽ tìm giúp bạn căn nhà phù hợp nhất

0